Đứt gân cơ nhị đầu ở cánh tay là chấn thương bắp tay trước, là loại chấn thương thường gặp trong thể thao. Ở chấn thương này người bệnh thường sẽ bị hạn chế vận động, có thể mất hoàn toàn khả năng cử động các khớp vai.
Đứt gân cơ nhị đầu
Rách gân cơ nhị đầu hay còn gọi là đứt gây cơ nhị đầu là việc hoạt động quá mức, lặp đi lặp lại 1 động tác liên tục khiến cho gân cơ nhị đầu bị mòn và cuối cùng dẫn đến bị rách. Chấn thương này cũng có thể xảy ra do chấn thương, chẳng hạn như các động tác vặn khuỷu tay hay vai đột ngột. Hoặc dùng cánh tay chống đỡ khi bị té ngã. Đối với vị trí ở khuỷu tay, gân thường rách trong quá trình nâng các vật nặng
Dấu hiệu nhận biết chấn thương
Triệu chứng khi gân cơ nhị đầu bị đứt chính là:
- Cơn đau đột ngột và dữ dội ở phần trên cánh tay hoặc phần khuỷu tay, tùy vào vị trí gân bị đứt.
- Cảm giác được sự nóng ấm khu vực xung quanh vết thương
- Xuất hiện vết bầm tím từ bắp tay xuống đến phần khuỷu tay
- Đau nhức ở vị trí chấn thương lan khắp cánh tay, lực cánh tay bị yếu đi
- Sưng ở phần bắp tay vì cơ tay trước không còn được giữ đúng vị trí
- Khó xoay cánh tay theo chiều lòng bàn tay hướng lên (hay hướng xuống).
Biện pháp điều trị chấn thương
Phương pháp điều trị phụ thuộc rất nhiều vào mức độ nghiêm trọng của vết thương, và chức năng vận động tổng thể của phần bắp tay. Phương pháp điều trị chấn thương đứt gân nhị đầu vùng cánh tay thường được áp dụng gồm:
Nghỉ ngơi
Đối với những chấn thương mức độ nhẹ, người bệnh nên dành thời gian nghỉ ngơi. Càng ít sử dụng cánh tay càng tốt để giúp cơ tay có thời gian nhanh phục hồi. Tránh nâng hoặc cầm các vật nặng, tạm ngưng các hoạt động thể thao sử dụng cánh tay đang bị thương.
Sử dụng thuốc kháng viêm không steroid
Thuốc giúp giảm tình trạng viêm, sưng do bị chấn thương. Thuốc cũng có tác dụng giúp giảm đau đối với các loại chấn thương ở phần gân bắp tay.
Vật lý trị liệu
Bao gồm các bài tập luyện phục hồi chức năng, giúp cho bạn lấy lại sức mạnh và phạm vi vận động hậu chấn thương. Các chuyên gia vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn thực hiện một số bài tập được thiết kế riêng nhằm chữa lành vết thương và giảm đau.
Phẫu thuật
Trong trường hợp vết thương gân bị rách hơn 50%, bác sĩ sẽ có thể đề nghị áp dụng biện pháp phẫu thuật để điều trị vết thương.
Sau khi phẫu thuật người bệnh sẽ được đeo đai; bó bột hoặc nẹp để cố định phần cánh tay trong thời gian từ 4 – 6 tuần. Sau đó sẽ thực hiện các bài tập vật lý trị liệu. Đối với các chấn thương rách gân cơ nhị đầu ở mức độ nặng thì thời gian cần thiết để phục hồi sẽ từ 9 tháng đến 1 năm.
Nguồn: tamanhhospital