Nhận biết bệnh sởi ở trẻ giúp các mẹ có hướng điều trị đúng đắn. Hướng dẫn cách phân biệt với bệnh phát ban thông thường.
Sởi có tốc độ lây lan vô cùng nhanh chóng nên dễ dàng bùng phát thành dịch trong cộng đồng. Bệnh Sởi lây lan từ người bệnh sang người lành chủ yếu qua việc hít phải dịch tiết mũi họng của người bệnh phát tán ra không khí khi họ hắt hơi, ho. Ngoài ra, khi một người nào đó chạm vào bề mặt hoặc vật nào đó đã bị nhiễm virus rồi chạm vào miệng, mũi của chính họ hoặc không rửa tay mà cầm đồ ăn cũng có thể bị lây Sởi.
Virus Sởi có thể tồn tại trong không khí và trên bề mặt tới 2 giờ nên rất dễ dàng xâm nhập vào cơ thể người bình thường. Một người khỏe mạnh dễ dàng bị lây Sởi khi sống chung hoặc gián tiếp tiếp xúc với người bệnh trong vòng 2 giờ.
Biến chứng nguy hiểm của bệnh Sởi
– Viêm thanh khí phế quản, viêm não, viêm cơ tim, viêm màng não cấp tính.
– Viêm tai giữa, viêm phổi, viêm dạ dày,…
– Viêm loét hoại tử giác mạc, hàm mặt,…
– Tiêu chảy.
– Thai lưu, sảy thai, đẻ non,… với phụ nữ mang thai bị Sởi.
Biến chứng của sởi có thể gây sảy thai
Biến chứng của sởi có thể gây sảy thai
Nhận biết bệnh Sởi qua các dấu hiệu điển hình
Tùy theo từng giai đoạn mà các triệu chứng của bệnh Sởi sẽ có sự khác nhau:
– Giai đoạn ủ bệnh: trung bình khoảng 10 ngày
Đây là giai đoạn bệnh chưa có triệu chứng nào cả.
– Giai đoạn khởi phát (viêm long): 2 – 4 ngày
Lúc này người bệnh sẽ bị sốt cao, viêm kết mạc, viêm long đường hô hấp trên, bề mặt niêm mạc má có các hạt Koplik nhỏ kích thước 0,5 – 1mm màu trắng/xám với quầng ban đỏ nổi gồ lên.
– Giai đoạn toàn phát: 2 – 5 ngày
Sau khi sốt cao 3 – 4 ngày bắt đầu xuất hiện tình trạng phát ban dạng ban hồng dát sẩn, nếu kéo căng da thì các ban này sẽ biến mất. Trình tự xuất hiện ban từ sau tai, gáy ra trước mặt, cổ rồi lan dần toàn thân, tứ chi, lòng bàn chân, lòng bàn tay. Khi ban mọc khắp cơ thể cũng là lúc thân nhiệt sẽ giảm xuống.
– Giai đoạn hồi phục
Màu sắc các nốt ban nhạt dần rồi chuyển sang màu xám, bong vảy phấn dạng màu sẫm để lại vết thâm trên da. Trình tự lặn của ban giống như lúc nó xuất hiện. Một số trường hợp sau khi hết ban sẽ bị ho kéo dài 1 – 2 tuần.
Nhận biết bệnh Sởi và phân biệt với sốt phát ban
Rất nhiều người nhầm lẫn Sởi với sốt phát ban thông thường nên dẫn đến không điều trị kịp thời, gặp những biến chứng nguy hiểm. Tuy đặc điểm chung của Sởi đều là hiện tượng nổi ban nhưng đặc điểm ban lại không hề giống nhau. Có thể phân biệt Sởi với sốt phan bát qua những điểm khác nhau cơ bản sau:
Trình tự mọc ban
+ Ban Sởi mọc theo trình tự từ sau tai, gáy lan ra mặt – lưng và ra khắp toàn thân sau 2 – 3 ngày.
+ Sốt phát ban nổi ban toàn thân ngay khi bắt đầu mọc.
Khác biệt ở mắt
+ Sởi: ngày thứ 2, khi trẻ sốt cao, quan sát thấy mắt hơi đỏ hoặc có gỉ mắt nhiều. Đây là dấu hiệu viêm kết mạc.
+ Sốt phát ban không đỏ, không có gỉ mắt vì không bị viêm kết mạc.
– Viêm long đường hô hấp
+ Sởi gây viêm long đường hô hấp nên sẽ xuất hiện các triệu chứng sổ mũi, hắt hơi.
+ Sốt phát ban không gây viêm long đường hô hấp.
Theo medlatec