Mất:3 phút, 9 giây để đọc.

Rau cải bẹ là một loại rau quen thuộc đối với bữa ăn hàng ngày của gia đình Việt. Đây là loại rau rất tốt cho sức khỏe. Vì nó có nhiều thành phần vitamin như vitamin A, B, C, K, axit nicotic, catoten, abumin… Vì thế các chuyên gia dinh dưỡng thường khuyên nên sử dụng rau này nhiều hơn trong bữa ăn hằng ngày.

Tuy nhiên, rau cải bẹ còn có các tác dụng trong việc chữa bệnh mà ai ai biết. Theo Đông y Việt Nam, cải bẹ xanh có vị cay, tính ôn. Vì thế, nó có tác dụng giải cảm hàn, thông đàm, lợi khí…. Riêng hạt cải bẹ xanh, có vị cay, tính nhiệt, không độc; nên có thể trị được các chứng phong hàn, ho đờm, hen, đau họng, tê dại, mụn nhọt…

Rau cải bẹ

Cải bẹ hay còn gọi là cải canh, họ Cải (Brassicaceae), là cây thảo, sống quanh năm. Quả thuôn dài và nhọn. Hạt nhỏ, hình cầu, màu vàng hoặc nâu. Cây mọc ở hầu khắp các vùng trong cả nước, nhiều nhất là vùng đồng bằng sông Hồng như Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương…. và nhiều tỉnh khác.

Giá trị sử dụng của cải bẹ

Là loại cây vừa có giá trị thực phẩm vừa có giá trị chữa bệnh trong y học cổ truyền. Quả được thu hoạch để nghiền hạt làm thuốc. Hạt cải bẹ có tên y học là bạch giới tử (Semen Brassicae allbae) chứa chất dầu mà thành phần chủ yếu là axit béo sinapic, arachidic, crucic…, có tinh dầu, được hình thành chủ yếu sau khi thủy phân glucosid sinigrosid có trong hạt cải bởi enzym myrosinase để cho chất sulfat axit Kali glucose và alyl isothiacyanat (cò ngọi là tinh dầu mù tạc).

Sản phẩm này gây kích thích da và sung huyết. Trên cơ sở này làm tan mụn, giảm đau cơ và đau dây thần kinh. Tuy nhiên, nếu sử dụng trong thời gian dài hoặc liều lượng cao có thể gây phồng rộp da hoặc nôn mửa, viêm dạ dày ruột và đau bụng.

Ngoài ra, hạt cải bẹ còn được dùng để chế biến mù tạt, và dùng ép dầu làm nguyên liệu chế biến phụ tử.

Tác dụng của cải bẹ trong y học cổ truyền

Theo Y học cổ truyền, bạch giới tử có tác dụng ôn phế, trừ đàm hàn, giảm đau, tiêu thũng, tán kết, thông kinh lạc, hành khí, lợi khí. Dùng trị ho hàn, nhiều đờm, suyễn tức, khó thở, sườn ngực đau trướng, xương khớp tê đau.

Liều dùng, ngày 3 – 9 gram, dạng thuốc sắc hoặc hoàn, tán.

Kiêng kỵ, phế hư, ho khan,

Không nên sử dụng thời gian dài hoặc liều cao.

Hạt cải bẹ có thể chữa những bệnh nào?

– Trị ho đờm, suyễn kéo dài, hạt cải bẹ, hạt cải củ, cò ngọi là lai phục tử (Semen Raphani), quả tía tô, cò ngọi là tô tử (Fructus Perillae frutescentis), đồng lượng 6 – 9 gram, dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột.

– Trị mụn nhọt sưng đau, đau họng, hạt cải bẹ 9 gram vi sao, nghiền mịn, thêm chút nước, quấy đều tạo thành dạng hồ nhão, lấy bông sạch chấm thuốc, bôi vào nơi sưng đau, nếu đau họng thì bôi quanh vùng ngoài yết hầu, nếu nhọt bọc, hoặc viêm hạch lâm ba thì bôi chỗ sưng, làm nhiều lần trong ngày .

– Trị đau đầu, hạt cải bẹ 8 gram, vi sao, tán mịn, mặt khác lấy 10g gừng tươi, rửa sạch, thái phiến, giã nát, vắt lấy nước cốt. Đem bột hạt cải bẹ trộn đều với nước gừng, rồi bôi vào vùng gáy.

Trích dẫn từ Thaythuocvietnam.vn
Phạm Ngân